x
THÀNH VIÊN
Facebook login Google login
x
ĐĂNG KÝ
Facebook login Google login
Hủy
x
Quên mật khẩu
Hủy
x
DU LỊCH VIỆT TRẦN

NHẬN NGAY VOUCHER GIẢM GIÁ LÊN ĐẾN 500K

Áp dụng cho tất cả các tour nước ngoài

DU LỊCH VIỆT TRẦN

TÌM HIỂU VỀ NAM KỲ LỤC TỈNH

  • Chủ nhật, 00:52 05/05/2019 .
  • Miền Nam ngày xưa được một số người gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh. Lịch sử hình thành và phát triển Nam Kỳ Lục Tỉnh là lịch sử của gần 400 năm gian khổ khẩn hoang lập làng của những nhóm lưu dân người Việt từ Đàng Trong xuôi Nam, của những nhóm lưu dân người Hoa bài Mãn, phục Minh và sự cộng cư của các thổ dân bản địa.

    Nam Kỳ Tục Tỉnh gồm những tỉnh nào ?

    Theo sử sách, dưới thời vua Gia Long và giai đoạn đầu trị vì của vua Minh Mạng (1802-1832), cả vùng này được gọi là Trấn Gia Định mà Tả Quân Lê Văn Duyệt là người hai lần được bổ nhiệm làm Tổng Trấn ở đây. Năm 1832, sau khi Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng bãi bỏ Gia Định Trấn. Miền Nam lúc đó được thay đổi từ 5 Trấn của Gia Định được chia thành 6 tỉnh (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Hai năm sau (năm Giáp Ngọ, 1834), vùng Lục tỉnh thuộc Gia Định Thành trước đây được gọi chung là Nam Kỳ. Từ đó có tên gọi là Nam Kỳ Lục tỉnh.

    Theo Nguyễn Q. Thắng, nhà Nguyễn đặt tên lục tỉnh dựa theo 6 từ cuối của một câu thơ cổ: Khoái mã gia biên vĩnh định an hà (nghĩa: Phóng ngựa ra roi giữ yên non nước). Theo đó, các tỉnh có tên: Gia Định, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang và Hà Tiên. (Trịnh Hoài Đức, một trong Gia Định tam gia, Nam Bộ xưa và nay, NXB TP. HCM, 2005, tr. 147).

    Dưới thời Pháp thuộc, người Pháp gọi vùng này là Cochinchine hay Nam Kỳ. Đây là vùng thuộc địa của Pháp và lục tỉnh được chia làm 21 tỉnh (với các chữ đầu là Gia Châu Hà Rạch Trà, Sa Bến Long Tân Sóc, Thủ Tây Biên Mỹ Bà, Chợ Vĩnh Gò Cần Bạc Cắp). Thời Việt Nam Cộng Hòa, vùng này là Miền Nam Việt Nam và bao gồm các tỉnh Miền Đông (Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, Bình Dương, Biên Hòa, Long Khánh, Bình Tuy, Phước Tuy, Gia Định) và các tỉnh Miền Tây Nam Phần (Châu Đốc, Kiến Phong, Kiến Tường, Hậu Nghĩa, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Định Tường, Long An, Chương Thiện, Phong Dinh, Vĩnh Bình, Kiến Hòa, Gò Công, An Xuyên, Bạc Liêu, Ba Xuyên). Chính phủ hiện thời dùng chữ Nam Bộ thay vì Nam Phần và cũng phân biệt Miền Đông (hay vùng Đồng Nai với các tỉnh Sông Bé, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An) và Miền Tây (hay đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Cửu Long, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Minh Hải).

    Vùng đất Nam Kỳ Lục Tỉnh được hình thành như thế nào ?

    Vùng đất Nam Kỳ Lục Tỉnh trước gọi là Đồng Nai - Gia Định và sau được gọi Nam Kỳ, cho đến đầu thế kỷ 17 vẫn còn là một vùng đất hoang vu rừng thiên nước độc, sình lầy, dẫy đầy rắn rít với hàng trăm trăm ngàn thú dữ.

    "Đồng Nai xứ sở lạ lùng
    Dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um"

    Sự hình thành và phát triển ấy lại được tác động bởi 3 yếu tố chính trị: sự tan rã của chính quyền Cao Miên, nhu cầu của một cuộc nội chiến bên trong Viêt Nam và sự đô hộ của Pháp.

    Vùng đất hoang vu này, từ đầu công nguyên đến thế kỷ thứ 07 thuộc về Vương Quốc Phù Nam, bao gồm một vùng đất bao la trải dài từ lưu vực sông Cửu Long đến sông Mê Nam (Thái Lan) xuống đến tận các đảo Mã Lai. Vương quốc này gồm những dân cư hải đảo như Malaysian, Indonesian. Di tích còn tìm thấy được của văn minh Phù Nam là nền văn minh Óc Eo do Louis Mallaret thuộc trường Viễn Đông Bác cổ khám phá ra năm 1944 ở Óc Eo gần núi Ba Thê (Châu Đốc), gồm một cổ thành dài 1500m với nhiều cổ vật với đồ trang sức bằng vàng thậm chí có đồng tiền La Mã.

    Vì lẽ các vua chúa Phù Nam cai trị hà khắc quá đáng nên dân chúng có một cuộc nổi dậy bởi một sắc tộc tên là Kambuja (những đứa con của Kambu, tên của thủ lãnh, sau này được người Pháp đổi lại là Cambodge) từ miền Korat (Bắc Kampuchea và Hạ Lào bây giờ) tràn xuống vùng Biển Hồ, đánh đuổi người Môn và lập nên vương quốc Chân Lạp vào thế kỷ thứ 6. Vương quốc Phù Nam bị tan rã, một số người Môn chạy sang sinh sống ở vùng sông Mê Nam (Thái Lan), Miến Điện, một số ít lưu lạc lên vùng Tây Nguyên. Vương quốc mới này đóng đô ở Angkor và phát triển quyền lực ở vùng Biển Hồ Tolé Sap mà cao điểm là xây dựng các đền đài Angkor (vùng Siemreap) vào thế kỷ 12 - 13.Angkor Wat là đền đài lớn nhất được xây từ 1112 -1152 với chiều dài đến 1000m, chiều ngang 850m.

    Đến thế kỷ 13, Angkor có diện tích độ 100 km² và là một trong những thành phố lớn nhất thế giới thời ấy. Năm 1431, quân Xiêm kéo sang xâm lược và tàn phá Angkor, vương triều phải dời về Phnom Penh (1434). Đến thế kỷ 16 thì kinh đô dời về Oudong rồi mới trở lại Phnom Penh từ 1866 dưới thời Norodom đệ nhất. Angkor từ đó đã bị bao phủ trong rừng sâu cho đến năm 1851 mới được Mouhot, một nhà côn trùng học người Pháp vô tình tìm thấy nhân khi đi nghiên cứu côn trùng và chỉ bắt đầu được trùng tu lại từ 1880. (Theo Encyclopédie Encarta 2001. Paris: Microsoft, 2001, article sur le Cambodge).

    Nhưng nội bộ các vương tộc Chân Lạp từ lúc thành lập luôn luôn tranh chấp nhau, chia cắt đất nước thành nhiều lãnh địa (như vào thế kỷ thứ 8 có đến 5 lãnh địa). Họ rất hiếu chiến và hay trả thù, trong 3 lần dời kinh đô từ Angkor qua Oudong rồi Phnom Penh hay mỗi lần thay đổi triều đại, dân Khmer tàn phá hết di tích và tàn sát phe đối nghịch. Nội chiến đã làm quốc gia suy yếu, Chân Lạp thường bị Xiêm (đến 1939 mới đổi là Thái Lan) nhiều lần đánh chiếm đất đai hay phải cắt đất dâng cho Xiêm mỗi khi có một ông hoàng Khmer sang Xiêm cầu cứu.

    Cuộc Nam Tiến của dân ta đã bắt đầu trong bối cảnh nội chiến này của xứ Chân Lạp và cuộc nội chiến Trịnh Nguyễn của nước ta. Năm 1620, vua Chey Chetta 2 đến Thuận Hóa xin cầu hôn với công chúa Ngọc Vạn (khi trở thành hoàng hậu có tên là Ang Cuv hay Sam Đát), con của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Cuộc hôn nhân này chẳng qua là một dịp đi tìm đồng minh của vua Chân Lạp, cầu viện chúa Nguyễn để đánh lại Xiêm lúc nào cũng đe dọa Chân Lạp. Chúa Nguyễn cũng lợi dụng việc gả con gái để đưa quan quân lên Chân Lạp và mang về những tiếp liệu cần thiết (lúa gạo, trâu bò, voi) để đánh chúa Trịnh và đưa người Việt đi vào lập nghiệp ở vùng đất Phù Nam cũ ở hạ lưu sông Cửu Long. Tuy trên danh nghĩa là đất Chân Lạp nhưng trong thực tế là đất vô chủ bởi lẽ từ nhiều thế kỷ vì sự suy yếu nội bộ, vì chiến tranh liên tiếp với Xiêm, vùng đất này hoàn toàn hoang vu không có guồng máy cai trị của Chân Lạp.

    Trước khi người Việt đến, vùng này chỉ có vài mươi nóc nhà người Môn - Khmer trên các gò cao ở sâu trong rừng vùng Preikor (Saigon), sống biệt lập với người Khmer và chính quyền Khmer ở vương triều. Năm 1623, niên kỷ đầu tiên đánh dấu cuộc Nam Tiến, chúa Sãi cho đặt hai trạm thu thuế ở Prei Nokor (Sài Gòn,nay ở khoảng Quận 5) và Kas Krobei (Bến Nghé,nay ở khoảng quận 1) (theo Địa chí văn hóa TPHCM, tr. 475). Sự kiện chúa Nguyễn cho đặt hai trạm thu thuế cho phép ta suy luận rằng trước đó,lưu dân người Việt đã đến khẩn hoang lập làng ở vùng đất vô chủ này rồi và trạm thuế của chúa Nguyễn chỉ là chính sách "dân làng đi trước nhà nước theo sau". Trịnh hoài Đức cũng xác nhận trong Gia Định thành thống chí: Dân Nam vô Mô Xoài từ các Tiên hoàng đế tức Nguyễn Hoàng (1558 - 1613), Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1625). Như vậy, Mô Xoài (tức Bà Rịa bây giờ) là địa điểm đầu tiên có người Việt đến quần cư (vì trên gò cao, gần sông, biển).

    Từ đó, chúa Nguyễn khuyến khích dân Thuận Quảng và đưa tù binh bắt được trong cuộc chiến tranh với chúa Trịnh vào Nam khẩn hoang lập ấp ở vùng đất mới.Sử cũ ghi là năm 1665 có độ 1000 người Việt vào lập nghiệp ở vùng đất mới này. Sau những đợt di dân tự nguyện và cưỡng bách của người Việt, vào cuối thế kỷ 17, có hai đợt di dân của người Trung hoa đến.

    Năm 1679, khoảng 3000 binh sĩ trung thành với nhà Minh đi trên 50 chiến thuyền đến xin chúa Nguyễn cho lập nghiệp. Chúa Nguyễn chia ra hai nhóm, một nhóm do Trần Thượng Xuyên chỉ huy đến khai phá vùng Cù Lao Phố (Biên Hòa), Gia Định, một nhóm do Dương Ngạn Địch chỉ huy xuống Mỹ Tho và Cao Lãnh. Trong cuộc cộng cư này, những cuộc hôn nhân giữa người Hoa (là binh sĩ độc thân) và người Việt đã sớm thành hình. Năm 1710, theo giáo sĩ Labbé, số người Việt và Minh hương lên đến 20'000 người, phần lớn tập trung trong vùng Đồng Nai và Tiền Giang.

    Năm 1681, một nhóm di dân khác cũng người Minh do Mạc Cửu chỉ huy đổ bộ lên đảo Koh Tral (Pháp âm từ tiếng Khmer là Koh Sral = tiếng Việt là Phú Quốc) rồi dùng đường bộ lên Kampot, đến Oudong xin thần phục vua Khmer. Mạc Cửu được vua Khmer cho phép khai thác một vùng đất rộng lớn trong vịnh Xiêm La, mở sòng bạc, buôn bán với các ghe tàu qua lại, thu hút lưu dân Trung Hoa từ khắp nơi tới, có một thế lực rất lớn trong vùng.Bị vua Xiêm đánh phá, Mạc Cửu được chúa Nguyễn cứu trợ nên sau khi dẹp được quân Xiêm, Mạc Cửu xin sát nhập tất cả đất đai đã khai khẩn về chúa Nguyễn.

    Năm 1732, chúa Nguyễn cho lập trấn Hà Tiên nhưng vẫn để Mạc Cửu cai trị. Những cuộc liên minh sau đó giữa con Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ với vua Chân Lạp để chống lại hay để thần phục chúa Nguyễn đã khiến một vùng đất rộng lớn từ Hà Tiên, Châu Đốc (Tầm Phong Long), Cần Thơ (Tầm Bôn), Long Xuyên (Lôi Lạp) qua đến lãnh thổ Cao Miên hiện nay như Kompong Som,Kampot… lần lượt sát nhập vào đất đai của chúa Nguyễn.

    Trong việc lập quốc Nam Kỳ, một vấn đề cần được minh xác:

    Vì thiên kiến của một số người Khmer quá khích phần lớn thuộc hoàng tộc, vì quyền lợi của thực dân Pháp và vì óc tự hào quá đáng của một số người Việt, một thiên kiến thường được nhắc đến theo đó thì đất Nam Kỳ là đất Thủy Chân Lạp khi xưa đã bị Việt Nam thôn tính bằng võ lực.

    Lập luận này không chính xác vì những lý do sau đây:

    Lúc đầu, cuộc Nam Tiến là một cuộc cộng cư giữa người Việt, người Hoa và người bản địa (Khmer, Môn, Chăm) để khẩn hoang một vùng đất vô chủ. Sau đó,đến thế kỷ 18, những đất đai vùng châu thổ Cửu Long và vùng ven vịnh Xiêm La mà vua chúa Chân Lạp lần lượt chuyển nhượng hoặc trực tiếp cho chúa Nguyễn hoặc gián tiếp qua tay dòng họ Mạc là những món quà để đổi lại sự giúp đỡ quân sự cho Chân Lạp để bảo vệ đất Chân Lạp chống lại sự uy hiếp thường xuyên của Xiêm La. Đối với người Khmer đó là những cử chỉ thần phục. Hơn nữa những đất đai mà vua Chân Lạp dâng tặng cho chúa Nguyễn không hẳn thuộc vua Chân Lạp, vì từ sau khi Phù Nam tan rã, vùng đất này chẳng bao giờ được Chân Lạp kiểm soát hay đặt bộ máy cầm quyền.

    Nếu dựa vào các nguyên tắc về công pháp quốc tế ngày nay cũng như theo quan niệm vương quyền thời quân chủ ngày xưa, vùng đất hoang vu thường được gọi là Thủy Chân Lạp trước khi chúa Nguyễn đưa dân Thuận Quảng vào lập nghiệp không thể xem là đất của Chân Lạp. Ngày nay, để được gọi là quốc gia, cần có ba yếu tố: lãnh thổ, dân tộc và chính quyền, Cũng như ngày xưa khi uy quyền của vua lan rộng đến đâu thì lãnh thổ nới rộng đến đó. Thần dân tùy thuộc một triều đại chớ không tùy thuộc một lãnh thổ. Nơi nào dân không nộp thuế khóa, không triều cống phẩm vật, nơi đó xem như đất vô chủ.

    Cũng cần biết là trước khi người Pháp chiếm toàn cõi Đông Dương (1893), ranh giới giữa các quốc gia chỉ là ước định và nhân danh triều đình Huế, người Pháp đã ký nhiều hiệp ước song phương với các xứ Đông Dương vào cuối thế kỷ 19 để phân định ranh giới các xứ. Riêng với Việt Nam, để bảo vệ quyền lợi các đồn điền Pháp, chính phủ thuộc địa đã tự tiện ký các hiệp ước phân định ranh giới với Cao Miên, như lấn tỉnh Svayrieng vào lãnh thổ Việt Nam, cắt Kompong Som, Kampot sát nhập lại cho Cao Miên (để nới rộng các đồn điền cao su của tư bản Pháp và dễ dàng hóa việc chuyển vận cao su qua các hải cảng ở vịnh Xiêm La), bù lại sát nhập đảo Phú Quốc vào Nam Kỳ.

    Cũng cần ghi nhận thêm, trong nhiều sách sử Cao Miên (Mak Phoen.Chroniques royales du Cambodge – Paris:  EFEO, 1981 và Khin Sok. Le Cambodge entre le Siam et le Việt Nam de 1775 à 1860- Paris: EFEO, 1991) họ không nói đến chuyện Việt Nam đánh chiếm đất, mà lường gạt chiếm đất.

    Điều cũng cần biết là không phải riêng gì Việt Nam được tặng đất mà Xiêm cũng được tặng đất và được tặng nhiều hơn. Những tỉnh Chantaburi,Prachinburi, Xurin, Xixaket… ngày nay của Thái Lan trước kia là đất của Chân Lạp. Đến năm 1768, cuộc Nam Tiến của dân Việt Nam coi như đã chấm dứt. Lãnh thổ Nam Kỳ lúc này dược chia thành 3 tỉnh: Đồng Nai (bao gồm các vùng đất miền Đông), Sài Gòn (bao gồm các vùng đất từ sông Sài Gòn đến cửa Cần Giờ) và Long Hồ (bao gồm các vùng đất miền Tây).

    Tuy phân chia như vậy, nhưng ranh giới các địa phương sinh tồn này trong thực tế không rõ ràng mà thường dựa theo các bìa đất đã canh tác cuối cùng, khi có làng xã thiết lập hay khi có ngôi đình làng. Trong cuộc cộng cư này, thuở ban đầu, người Hoa và người Việt sinh hoạt theo lối da beo (thành từng đốm), nghĩa là họ canh tác ở vùng đất thấp, cạnh trục giao thông, không xâm nhập vào các vùng đất, làng xã của người Khmer thường gọi là srok (sóc) trong các vùng đất cao.

    Từ năm 1802,năm Gia Long lên ngôi đến năm 1859,năm người Pháp chiếm Sài Gòn, công tác của nhà Nguyễn không còn mở rộng đất đai ngoại vi mà tập trung khai khẩn vùng nội địa bằng cách đào thêm kinh rạch (kinh Vĩnh Tế, kinh Vĩnh An), lập thêm đồn canh để bảo vệ lãnh thổ (như vùng Tây Ninh, Thủ Dầu Một) hay đưa người Việt, người Minh Hương đến lập nghiệp các vùng có người Khmer (Ba Xuyên,Trà vinh…).

    Nam Kỳ Lục Tỉnh nhiều lần được thay đổi tên gọi.

    Năm 1808, dưới thời Gia Long, Nam Kỳ được gọi là Gia Định Thành bao gồm 5 trấn: Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường, Phiên An, Biên Hòa.

    Năm 1834, dưới thời Minh Mạng, 5 trấn được đổi thành 6 tỉnh. Danh từ Nam Kỳ Lục Tỉnh xuất hiện kể từ năm này.

    Năm 1880, dưới thời Pháp thuộc, Nam Kỳ được chia ra làm 20 hạt rồi 20 tỉnh theo vần vè như sau: Gia (Định), Châu (Đốc), Hà (Tiên), Rạch (Giá), Trà (Vinh), Sa (Đéc), Bến (Tre), Long (Xuyên), Tân (An), Sóc (Trăng), Thủ (Dầu Một), Tây (Ninh), Biên (Hoà), Mỹ (Tho), Bà (Rịa), Chợ (Lớn), Vĩnh (Long), Gò (Công), Cần (Thơ), Bạc (Liêu).

    Năm 1947: lập thêm tỉnh thứ 21:Cap St-Jacques (Vũng Tàu).

    Năm 1945:  Nam Bộ.

    1948:  Nam Phần, dưới thời chính phủ Nguyễn Văn Xuân.

    1954: Miền Nam Việt Nam, sau hiệp định Genève để chỉ vùng đất Việt Nam Cộng Hòa, Nam vĩ tuyến 17 gồm 40 tỉnh.

    Có lẽ địa danh Nam Kỳ tồn tại hơn 100 năm nên địa danh lịch sử này đã được thường xuyên sử dụng bởi dân cả 3 miền Nam Trung Bắc. Nhưng sau này, khi nói Lục tỉnh, dân Saì Gòn thường hiểu là miền Hậu Giang.

    Tour liên quan
    x

    Tư vấn tour Miễn Phí

    Cám ơn các bạn đã quan tâm đến tour du lịch của chúng tôi !

    Hãy điền thông tin cá nhân của bạn vào đây chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất để hoàn tất thủ tục cho chuyến đi này

    
    TOP

    0898 51 52 53