x
THÀNH VIÊN
Facebook login Google login
x
ĐĂNG KÝ
Facebook login Google login
Hủy
x
Quên mật khẩu
Hủy
x
DU LỊCH VIỆT TRẦN

NHẬN NGAY VOUCHER GIẢM GIÁ LÊN ĐẾN 500K

Áp dụng cho tất cả các tour nước ngoài

DU LỊCH VIỆT TRẦN

GEISHA ở Nhật bản

  • Thứ năm, 23:32 04/10/2018 .
  • Có nhiều quan niệm cho rằng Geisha là một dạng gái điếm cấp cao ở Nhật nhưng thực tế với người Nhật, Geisha là các nghệ sĩ thực thụ với khả năng đàn, hát, múa và kỹ năng chuyện trò với khách. Sau đây là những sưu tầm về một số thông tin của Geisha cho du khách tham khảo.

    • Geisha – họ là ai ?

      
                                                                                                  Geisha theo tranh xưa
     

    Trước tiên, cần phân biệt: Geisha không phải là Gaishou (kỹ nữ) ! Nhìn cách ăn mặc sẽ thấy kỹ nữ thắt Obi trước bụng, còn Geisha thì không.

    Geisha có nghĩa là "person of the arts," là những cô gái thông thạo cầm, kỳ, thi, họa, được ví như những thế giới nghệ thuật sống.
     
    Dịch theo từ tiếng Anh bên trên Geisha gồm hai phần: Gei có nghĩa là thuộc về nghệ thuật, Sha: người, vậy Geisha là người của nghệ thuật. Geisha là những người trình diễn nghệ thuật cổ truyền của Nhật, gồm có: nibon-buyoh, vũ cổ truyền, ca hát âm nhạc cổ truyền được phụ hoạ bởi tiếng đàn của nhạc cụ shamisen, một loại đàn ba dây. Họ còn học đánh trống cổ truyền, học sadoh, nghệ thuật dâng trà, ikebana, nghệ thuật cắm hoa, shodoh, bút pháp, ngâm thơ, và đặc biệt là cách trang phục áo Kimono. Bận áo Kimono là cả một công trình nghệ thuật! (áo Kimono phụ nữ bận thường ngày là loại áo giản tiện hơn). Các cô Geisha còn học phương cách trò chuyện để thích ứng với mọi loại khách hàng. Từ thập niên 60 các cô Geisha bắt đầu còn học ngoại ngữ để tiếp xúc với khách ngoại quốc.

    Tuy Geisha không phải là kỹ nữ, nhưng để trở thành Geisha, Maiko phải vượt qua 1 giai đoạn gọi là "mizuage", tạm dịch là "giai đoạn biến chuyển" hoặc rõ hơn là "trao trinh tiết".

    Những giai đoạn một Geisha phải vượt qua
    (cảm hứng và kiến thức nhận được qua tiểu thuyết “Memoirs of a Geisha”)

     

    Shikomi: từ khi còn nhỏ, các cô bé được đưa về (thường là bị bán do hoàn cảnh gia đình) cho các Okiya (nơi Geisha ở) và làm những việc vặt để trả lại số nợ mà mình thiếu.
     

                                                                                                              Shikomi

    Misedashi:  Khi đến 15 tuổi, các cô gái trong Okiya phải chọn cho mình một người huấn luyện, gọi là “Mentor” hay “Onee-san” (người huấn luyện thường là những Geisha có tiếng tăm). Sau đó tên của các Maiko được đưa ra giới thiệu với công chúng trên các biểu ngữ dán ở các “hanamachi” (các địa điểm “nóng” của Geisha thời bấy giờ). Để hứa hẹn lòng trung thành của Maiko với onee-san, nghi thức San san kudo (3 chén rượu Sake, nhưng chỉ uống 1 hớp trong mỗi chén rượu) được cử hành tại các “Kaburenjo”, thường có tiệc tùng kèm theo .

    Minarai: đến giai đoạn này, các Maiko tuy đã được huấn luyện chu đáo vẫn chưa thể tự trở thành một Geisha thực thụ được . Nhiệm vụ của các Onee-san là phải dẫn Maiko đến Ozashiki, nơi mà họ có thể trực tiếp quan sát cách thức của các Geisha rồi tự học hỏi . Nhưng lúc này Maiko phải rời trường trung học để đi học múa, đàn, hát....


    Maiko

    Mizuage:  Thường đến khi 18 tuổi, các Maiko phải bước qua giai đoạn này: họ phải bán trinh tiết (mizuage) của mình cho một Patron, tạm gọi là “khách hàng” hoặc “người bảo trợ” (nếu bạn đã xem phim “Memoirs of a Geisha,” hẳn bạn sẽ nhớ Sayuri rất đau khổ khi phải bán “mizuage” cho một bác sĩ khi cô mới 15 tuổi). Trong suốt cuộc hành trình trước đó, Maiko phải cố hết sức củng cố danh tiếng của mình; tiếng tăm càng nổi trội thì càng có nhiều Patrons muốn và “mizuage” của cô cũng càng trở nên có giá (geisha Iwasaki Mineko đã bán "mizuage" cao đến mức $720,000 - số tiền dư sức mua 2 căn nhà bự ở Mỹ!!!). “Mizuage” là giai đoạn vô cùng tế nhị mà các Geisha luôn giữ kín trước công chúng. Sau "mizuage", Maiko sẽ chính thức trở thành Geisha.


    Gaishou ( Kỹ nữ )

    Cũng vì việc bán mizuage hái ra tiền, một số Geisha đã không ngần ngại đi ngược với kỷ luật để kiếm tiền. Những người đó không bị đuổi khỏi thế giới Geisha, nhưng thực chất là họ đã trở thành Gaishou (kỹ nữ), mặc cho họ có phủ nhận bao nhiêu đi chăng nữa.

    Thay đổi kiểu tóc - changing of the chignon: sau “mizuage,” Geisha phải chải tóc kiểu “Ofuku" và tiếp đến là mang quà cáp đến tặng Onee-san và Okasan.

                                                                                                 Tóc kiểu Ofuku 

    Thay đổi cổ áo - Erikae: Khi Maiko chính thức trở thành Geisha, họ không mặc Furisode (Kimono có vạt dài và hoa văn đẹp dành cho phụ nữ chưa chồng) nữa mà mặc Kosode (Kimono bình thường, vạt áo ngắn hơn) và phải thắt Obi màu đỏ thay vì các Obi có hoa văn; cổ áo trở thành màu trắng thay vì đỏ. Đến lúc này, geisha phải cư xử như một phụ nữ, không còn là một thiếu nữ nữa.

    San san kudo: Vì Geisha không được phép cưới chồng nên một số tìm được cho mình một “Danna” (gần giống với chồng nhưng không phải, "Danna" cũng giống như những người mua "mizuage," sẽ cung cấp và bảo trợ cho Geisha đó suốt đời). San san kudo được tổ chức lần nữa để ràng buộc Geisha với Danna. Trong nghi lễ này, Danna phải tặng rất nhiều quà cáp cho Okasan.

    Hiki-iwai: nghi thức tạm biệt Geisha khi họ quyết định về hưu, bỏ nghề, có chồng, hoặc đã trở nên quá lớn tuổi để có thể tiếp tục.

    Okami-san: là cách gọi nữ chủ nhân của các Okiya. Vì rất ít khi geisha có chồng hoặc có đủ khả năng để nuôi con nên nơi mà các geisha về hưu sống hết cuộc đời của mình vẫn là okiya hoặc ochaya (Có lẽ cũng chính vì nghi thức “mizuage” mà rất hiếm geisha có chồng chăng? ).
     

    Geisha hay nghệ giả, theo ngôn ngữ Nhật, là những người sống bằng nghệ thuật. Họ không phải là vũ nữ, càng không phải là gái làng chơi như có người nhầm lẫn. Họ có nhiều kỹ năng khác nhau như đàn hát, múa, kể chuyện, pha trà..., được đào luyện kỹ và sống trong một khuôn khổ nhất định. Hiểu theo nghĩa chặt chẽ thì nghề Geisha xuất hiện từ đầu thế kỷ 17, nghĩa là cách nay hơn 250 năm... Hai “tiền thân” của Geisha là Saburuko, xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ 7 và Shirabyoshi, tồn tại vào những năm 1185-1333 thuộc Công Nguyên.

    Saburuko (người phục vụ) là hệ quả những đổi thay sâu sắc trong xã hội Nhật vào cuối thế kỷ thứ 7. Hoàn cảnh xã hội đã đẩy nhiều phụ nữ khỏi đời sống gia đình và kiếm sống trên đường phố. Phần lớn trong số họ xuất thân từ những tầng lớp thấp kém, nhưng cũng có những người có tài năng và được hưởng thụ một nền giáo dục hoàn hảo. Vào thời này, các Saburuko có tài múa, hát tuồng được mời đến phục vụ cho giai tầng quý tộc trong xã hội.

    Shirabyoshi lúc đầu chỉ là tên của một vũ khúc. Về sau, nó được đặt cho các cô gái thường biểu diễn vũ khúc này để kiếm sống. Khi cấu trúc xã hội Nhật bị phá vỡ, sự sa sút của nhiều gia đình quý tộc khiến cho nhiều cô gái biến thành Shirabyoshi để có thể tồn tại. Vốn có một nền học vấn cao, họ nổi tiếng với tài múa hát và làm thơ.

    Nhiều người nhận được sự nâng đỡ của những gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu, trong đó có hai dòng họ quý tộc nổi tiếng là Fujiwara và Taira. Trong quá trình tồn tại như một thành phần xã hội được chú ý nhiều, họ còn biết hát các bản Ballad chuyên soạn dựa vào kinh Phật du nhập từ Trung Quốc.

    Cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, các khu vui chơi giải trí ra đời ở Nhật, theo mô hình các khu giải trí do nhà Minh thành lập ở Trung Quốc. Sang thế kỷ 18, sự phồn thịnh và tính văn hóa cao ở những nơi này đã làm phát sinh một thành phần mới gọi là “Geiko”. Họ xuất thân từ Osaka và Kyoto, lúc đầu là nam giới, nhưng về sau, nữ giới hầu như chiếm lĩnh “trận địa” và trở thành những Geisha đầu tiên trong lịch sử Nhật. Sự xuất hiện của những cô gái này gắn liền với sự ra đời của cây đàn Shamisen, tên ban đầu là Jabisen.

                                                                                                Cây đàn Shamisen 

    Từ giữa thế kỷ 18, Geisha là hiện thân của một kỹ nghệ vui chơi trong xã hội Nhật, mục đích chính là làm vui giới đàn ông thừa tiền lắm của. Họ không phải là gái làng chơi, nhưng trong đời sống cá nhân, họ có thể có mối quan hệ lâu dài với một người đàn ông nhất định nào đó về các mặt nghệ thuật, kinh tế....

    Về sau, với sự phát triển của xã hội, các Geisha có một tầm hoạt động rộng rãi hơn. Họ phục vụ trong các Trà ốc (O-chaya: quán trà) hay các nhà hàng sau khi đã trải qua những khóa huấn luyện kỹ năng như múa cổ điển, ca hát, đàn shamisen, cắm hoa, nghệ thuật mặc Kimono, trà đạo, thư pháp, chuốc rượu... Một Geisha thành công phải là người biết phô diễn vẻ đẹp, sự duyên dáng, tài năng nghệ thuật, sự tinh tế trong ứng xử với mọi người.

    Để được trở thành Geisha, đối tượng phải là con của một Geisha hoặc được một trà ốc nhận vào làm. Trong quá khứ nhiều cô gái đẹp, còn nhỏ tuổi, bị mồ côi hay sống trong những gia đình quá nghèo túng, thường được thân nhân mang bán cho các trà ốc. Các cơ sở này phải đầu tư một khoản tiền lớn để huấn luyện họ và cho họ mặc những bộ Kimono màu sắc sặc sỡ. Nhiều khi đích thân người chủ quán (Okamisan) huấn luyện họ. Khi đạt đến một trình độ nhất định, những cô gái trên được gọi là Maiko, được xem như những Geisha tập sự. Họ có nhiệm vụ tháp tùng các Geisha để tiếp tục học việc và tập làm quen với nghề.

    Thông thường khi đến tuổi 20, một Maiko sẽ tự quyết định trở thành Geisha hay không. Nếu lấy chồng, họ sẽ phải bỏ nghề.

    Tuy không có luật lệ nào quy định, nhưng trong quan hệ với người đàn ông là khách thường xuyên của một nhà hàng hay trà ốc, vị trí của Geisha được phân định rõ rệt với vai trò người vợ trong gia đình người khách ấy. Trong nền văn hóa Nhật, các Geisha không hề là mối đe dọa đối với đời sống gia đình của bất cứ người khách nào. Điều này cũng dễ hiểu, vì mối quan hệ giữa họ với nhau không dựa vào tình cảm yêu đương. Các bà vợ thường biết rõ những cô Geisha nào phục vụ chồng mình tại các nơi công cộng, đôi lúc, họ chạm mặt nhau trên đường đi.

    Ngoài những việc trên, các Geisha có thể cố vấn cho khách về những vấn đề trong lãnh vực thương mại mà ông ta đang tham gia. Họ biểu diễn trong tiệc cưới của con gái các khách hàng và tham dự lễ tang nếu chẳng may khách hàng của họ qua đoi.

    GEISHA hôm nay. 

    Do ngày nay không có mấy người chịu đựng nổi sự khắt khe của quá trình rèn luyện để trở thành geisha nên số lượng Geisha có xu hướng ngày càng giảm. Những cô gái muốn trở thành Geisha sẽ được giới thiệu tới bà chủ của quán trà đạo. Bà chủ của quán trà (Okami) sau đó sẽ nói chuyện với cha mẹ cô gái, và giải thích cho họ về quá trình đạo tạo Geisha. Khi đã được chấp nhận, cô gái sẽ dọn vào ở ngay trong quán trà và bắt đầu quá trình đào tạo khắc nghiệt. Một điều cần thiết nữa là cô gái buộc phải tốt nghiệp cấp 2 trở lên. Một khi đã chọn nghề này, cô gái phải theo nó ít nhất là 5,6 năm. Sau khoảng nửa năm học tập, cô sẽ trở thành 1 young geisha, gọi là "Maiko". Maiko thường đi theo hộ tống các Geisha khi họ đi phục vụ khách để học hỏi thêm về kinh nghiệm. Các Maiko hay mặc Kimono có màu sắc sặc sỡ có ống tay áo rất dài. Thường khi 20 tuổi, các Maiko sẽ phải quyết định liệu mình có tiếp tục công việc để trở thành 1 Geisha hay không ? Nếu kết hôn, thì các Maiko buộc phải từ bỏ nghề. Sẽ có một nghi lễ nhỏ gọi là "Erigae " (có nghĩa là đổi áo) khi Maiko trở thành một Geisha.

    Nếu một khách hàng muốn có một Geisha phục vụ cho bữa trà hoặc bữa tiệc, họ phải liên hệ với bà chủ quán Okami. Sau đó Okami thông báo lại với người quản lý, và người này chịu trách nhiệm gửi Geisha đến nơi khách hàng yêu cầu. Cần chú ý rằng bạn chỉ được phép vào Ochaya một khi bạn được một khách hàng quen của Ochaya giới thiệu. Ochaya không giao dịch với các khách hàng mới nếu không có lời giới thiệu trước. Giá của một bữa tiệc có Geisha phục vụ khác nhau tuỳ theo số lượng Geisha, đồ ăn, đồ uống v.v.v. Tuy nhiên với $150 bạn có thể có một bữa tiệc nhỏ với geisha chừng 2 tiếng đồng hồ.  Geisha - Kyoto

    Hiện tại ở Nhật Bản, Kyoto là nơi tập trung nhiều Geisha nhất.

    • Cuộc đời của Geisha
       

    Các cô geisha là một trong những biểu tượng văn hoá nước Nhật. Thế nhưng văn hóa nghệ thuật Geisha chỉ được biết đến rộng rãi với quần chúng Nhật và với thế giới sau thế chiến thứ hai. Trước đây chỉ có giới thượng lưu, các nhà quý tộc, tài phiệt, doanh gia, chính trị gia "lớn" mới có đủ khả năng thưởng thức nghệ thuật đắt tiền này. Thời nay các hội đoàn, công ty có thể tổ chức những buổi tiệc liên hoan có mặt của các cô Geisha. Từ đó các cô Geisha được quần chúng biết đến rộng rãi. Nhiều cô Geisha nổi danh, được chiêm ngưỡng, ái mộ ngang hàng các siêu sao màn bạc bây giờ, tuy vậy đời sống của các cô vẫn là môt bí mật. Geisha là một thế giới riêng, cách biệt, có quy luật, hệ thống điều hành riêng rẽ, và quần chúng Nhật tôn trọng sự cách biệt này. Không có điều luật nào ngăn cấm các cô kể chuyện, nhưng như được hiểu ngầm, các cô Geisha sau khi về hưu, chôn chặt quá khứ, giữ im lặng cho đến hết đời. 

    Năm 1998, một người Hoa Kỳ Arthur Golden đã viết quyển tiểu thuyết có tựa là “Memoirs of a Geisha”, “Hồi Ký của một nghệ sĩ Geisha”. Quyển sách rất lôi cuốn, với nhiều chi tiết tỉ mỉ tả đời sống của xã hội Geisha, và trở thành cuốn sách nóng hổi bán chạy tại Hoa Kỳ. Trong trang Tạ Ơn, Arthur Golden dành những lời ưu ái tới cô Geisha nổi danh tên là Mineko Iwasaki, thế nhưng cô Mineko lại đâm đơn kiện tác giả, lý do là Arthur Golden đã không giữ lời giao hẹn, là không được đề tên cô vào quyển sách, độc giả có thể hiểu sách dựa theo đời tư cô. Vụ kiện đã được dàn xếp, sách xuất bản tại Nhật đã lấy tên cô ra khỏi trang Tạ Ơn. Nghĩ rằng đã đến lúc thế giới bên ngoài cần biết rõ hơn về cuộc sống của các nàng Geisha, cô Mineko Iwasaki đã cho ra đời cuốn hồi ký của mình “Geisha - Một Cuộc Đời”. Mineko là người đầu tiên viết hồi ký, tả nghiệp cuộc sống mình đã trải qua, mở ra cánh cửa bí mật của cuộc sống các nàng Geisha. Sau đó cũng có thêm vài người viết hồi ký nữa về cuộc đời của Geisha.

    Suu Tam 

      TOUR LIÊN QUAN

    x

    Tư vấn tour Miễn Phí

    Cám ơn các bạn đã quan tâm đến tour du lịch của chúng tôi !

    Hãy điền thông tin cá nhân của bạn vào đây chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất để hoàn tất thủ tục cho chuyến đi này

    
    TOP

    0898 51 52 53