Áp dụng cho tất cả các tour nước ngoài
Đạp xe đi về Phương Nam là hành trình vô cùng lý thú vừa rèn luyện sức khỏe vừa được thưởng thức cảnh quan thiên nhiên thanh bình với những vườn trái cây nặng trĩu quả và cánh đồng lúa mênh mông, những con sông chở nặng phù sa đầy tôm cá, văn hóa đặc sắc, người dân mộc mạc, hiền lành hiếu khách rất sẳn lòng trò chuyện chỉ dẫn đường đi và giúp đở tận tình nếu chúng ta gặp phải những khó khăn trong hành trình du lịch. Đợt này chúng tôi tập trung đạp xe khám phá chín cửa sông Cửu Long và tìm hiểu các thành phố du lịch phía nam như Bạc Liêu, Cà Mau....
Sông Mê Kông có chiều dài hơn 4’300 Km bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng - thuộc tỉnh Thanh Hải, chảy qua phần phía Đông của khu tự trị Tây Tạng và Tỉnh Vân Nam - Trung Quốc tiếp tục xuyên qua Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và đến Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông.
Sông Mê Kông chảy vào Việt Nam từ Phnom Penh (Cambodia) chia ra thành hai nhánh là Hậu Giang hay sông Hậu và Tiền Giang hay sông Tiền, cả hai nhánh đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn của vùng Nam Bộ dài chừng 220 km –250 km.
Sông Hậu hay còn gọi là sông Bassac (Tonlé Bassac theo tiếng Khmer) phía Việt Nam còn có tên gọi nữa là sông Ba Thắc. Sông Hậu tách ra khỏi sông Mê Kông ở Phnom Penh, chảy trong địa phận tỉnh Kandal (Campuchia) rồi vào lãnh thổ Việt Nam tại xã Khánh An, huyện An Phú tỉnh An Giang. Khi đến huyện Cù Lao Dung của tỉnh Sóc Trăng, sông Hậu tách ra hai nhánh rồi đổ ra biển Đông qua cửa Trần Đề (giữa Trần Đề và Cù Lao Dung, Sóc Trăng) cửa Định An (giữa Duyên Hải, Trà Vinh và Cù Lao Dung, Sóc Trăng). Cửa Ba Thắc đã bị đất bồi từ khoảng thập niên 70 nên không còn nữa. Cửa Định An rộng nhưng cũng bị phù sa bồi nhiều nên chỉ sâu bình quân 3 mét.
Sông Tiền hay còn gọi Tiền Giang chảy từ đất Phnom Penh (Campuchia), qua Kandal và dọc theo ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Prey Veng (tả ngạn - bờ bắc) và Kandal (hữu ngạn - bờ nam) vào đồng bằng châu thổ sông Cửu Long theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, qua các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre rồi đổ ra biển Đông của Việt Nam.
Sông Tiền chảy tới giáp ranh giữa thành phố Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre nơi nó được tách làm ba nhánh sông lớn: sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông và sông Mỹ Tho. Sông Cổ Chiên chảy dọc theo ranh giới giữa Vĩnh Long, Trà Vinh (bên hữu) và Bến Tre (bên tả) đổ ra biển ở 2 cửa: cửa Cổ Chiên và cửa Cung Hầu. Hai cửa biển này được ngăn cách bởi cù lao Hòa Minh – Long Hoà huyện Châu Thành (Trà Vinh). Sông Hàm Luông chảy trọn vẹn trong tỉnh Bến Tre, đổ ra biển bằng cửa Hàm Luông ngăn cách huyện Thạnh Phú và Ba Tri. Sông Mỹ Tho chảy qua ranh giới Bến Tre (bên hữu) và Tiền Giang (bên tả), đổ ra biển bởi ba cửa: cửa Tiểu (Gò Công), cửa Đại (giữa Bình Đại và Gò Công) và cửa Ba Lai (giữa Ba Tri và Bình Đại).
Tại Việt Nam, sông Mê Kông còn có tên gọi là sông Cửu Long do sông đổ ra biển Đông bằng 09 cửa sông nên được ví như là 09 con Rồng (Cửu Long) uốn lượn tại 09 vị trí khi ra biển là Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Bát Xắc, Định An và Trần Đề.
PHẦN 01: HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ 09 CỬA SÔNG CỬU LONG
Chúng tôi khởi hành từ Quận 07 đường Nguyễn Hửu Thọ qua Lê Văn Lương, Ngô Quang Thắm về hướng xã Nhơn Đức huyện Nhà Bè men theo đường Nguyễn Văn Tạo qua Cầu Hiệp Phước, Cầu Kênh Lộ đến bến phà Hiệp Phước – Dơi Lầu băng sông Nhà Bè đến bến Dơi Lầu phía bờ bên kia của sông. Tại đây nhóm bắt gặp một nữ biker nhà ở quận 07 đạp một mình. Trong suốt đoạn từ lúc khởi hành đến giờ hoàn toàn không gặp nhóm xe đạp nào hết nên mọi người hỏi thăm và cùng đạp một đoạn tâm sự với nữ biker này. Tiếp tục đi theo hướng An Thới Đông Cẩn Giờ đến ngã ba đường Lý Nhơn rẻ phải qua Cầu Vàm Sát đến ngã ba thứ hai quẹo phải và lại quẹo phải tiếp đi theo đường dọc con sông hướng về phía bến đò khách B, Lý Nhơn – Gia Thuận để băng qua cửa biển Xoài Rạp và phóng tầm nhìn có thể thấy ngã ba Long Hoà - Vàm Láng nơi cửa biển đi ra biển Đông về hướng Vũng Tàu. Bên đây hướng ngược lại là phía Tân Tập (Long An) men theo đường sông sẽ đến đoạn ngã ba sông Nhà Bè - Lòng Tàu (Bình Khánh). Trên chuyến đò chở nhiều thứ từ những cần xé trái cây đến xe gắn máy và người dân đi trên đò rất vui vẻ hiếu khách, mấy chị buôn bán tám đủ thứ chuyện, chị buôn trái cây cho chúng tôi một mớ mít đã lột sẳn và chuối ăn rất ngon. Chúng tôi muốn gửi tiền trái cây nhưng họ không lấy. Mọi người hỏi thăm đi đâu và nhiệt tình chỉ đường cho chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình.
Sang phía Gia Thuận là vào Gò Công chúng tôi đạp theo đường ra bến đò vừa sang rẻ trái theo hướng về Vàm Láng dọc theo đường Ven Biển và rẻ phải theo đường song song với đường Ven Biển kế tiếp và chạy đến khu mũi tàu giao nhau tại đường tên là Ven Biển. Đến chợ Tân Điền đã hơn 14h chúng tôi ghé ăn cháo lòng ven đường đối diện chợ. Ở đây mọi người hỏi thăm đi từ đâu, khi nào, sao đạp xe đi xa được ? sao đạp xa được hay vậy ?... Chia tay với quán cháo lòng chúng tôi đạp tiếp vào khu gần Chợ Biển Tân Thành và đi dọc đường Ven Biển ngang bến đò Đèn Đỏ hướng về phía đò Bến Chùa ấp Nghĩa Chí, xả Phước Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Cửa Tiểu
Chúng tôi được ngắm nhìn Cửa Tiểu trên sông Tiền từ trên chiếc phà.... quá sướng với hàng loạt ảnh chụp từ đây. Chúng tôi không biết chính xác bến đò Đèn Đỏ có hoạt động hay không nên chúng tôi không đi bến đò này. Tuy nhiên, tại bến đò Đèn Đỏ chúng ta sẽ nhìn thấy Cửa Tiểu gần hơn nếu đi tại đò Bến Chùa. Trên chuyến phà có chiếc xe tải chở đầy bò. Anh tài xế nói là bò giống để nuôi chứ không phải bò thịt.
Nghe tên gọi địa danh đèn đỏ chúng tôi nghỉ nghĩa bóng bậy bạ trong đầu nhưng thật sự không phải như vậy. Câu chuyện kể rằng Cửa Tiểu ngày xưa hẹp hơn so với bây giờ nhiều. Để định vị cho tàu thuyền, người ta đã làm một cột hải đăng cao cả chục thước, được dựng trên trụ sắt vững chãi ở bờ Bắc, thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông. Nhưng sau đó trụ đèn hải đăng bị xói mòn, xạt lở đất không còn trụ lại nữa nhưng địa danh Đèn Đỏ (ánh sáng từ ngọn đèn Hải Đăng) vẫn được lưu truyền khi nó trở thành tên hành chính quy tụ nhiều cư dân làm nghề biển khắp nơi tìm về, người ta lại thắp đèn dầu đỏ rực một vùng quê biển để lấy ánh sáng cân đong, đo đếm, phân loại cá tôm mỗi khi tàu thuyền cập bến.
Cửa Đại
Sang đến bờ bên kia thuộc huyện Tân Phú Đông nằm ở phía Nam của tỉnh Tiền Giang. Huyện Tân Phú Đông có 12 km đường bờ biển là huyện đặc biệt nằm trên một cù lao của sông Tiền, kẹp giữa Cửa Đại & Cửa Tiểu.
Hành trình tiếp tục đạp xe theo đường đê đến bến phà Bình Tân Cửa Đại, thuộc xã Bình Thới huyện Bình Đại nối với xã Tân Phú Đông để lại được ngắm cửa Đại từ trên phà. Nghe người địa phương mô tả trên địa bàn huyện Bình Đại có đến 18 bến đò khách ngang sông với 22 phương tiện đang hoạt động hàng ngày. Đường đến bến phà này đang làm trải đá lởm chởm rất khó đi và đường xấu đến nỗi cắn gần chục cái ruột xe. Tuy nhiên tụi mình cũng được trải nghiệm đi phà theo giờ lẻ và giờ chẵn như thế nào để đi được phà mà không cần phải chờ lâu. Đến nơi vừa đúng giờ nhưng còn một số thành viên đi sau chưa đến kịp phà nên người đạp đến trước phải năn nỉ lái phà chờ vài phút và cuối cùng tất cả được lên phà trong tiếng cười thỏa mãn. Thời gian qua phà này chừng 20 phút.
Cửa Ba Lai
Sau khi qua được bên kia phà là địa phận của ấp 03, xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre chúng tôi tiếp tục tìm cửa sông nữa trước khi dừng chân qua đêm tại Ba Tri. Đi dọc theo đường Bắc Nam được một đoạn sẽ nhìn thấy cống Ba Lai, bên trái là cửa sông Ba Lai chảy ra biễn và bên phải là sông Ba Lai. Cửa sông này thuộc nhánh sông Ba Lai, nằm giữa ranh giới hành chính giữa huyện Bình Đại và Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Đây là nơi ngăn mặn, trữ ngọt, tiêu úng, tiêu chua, rửa phèn, cải tạo đất cho vùng này vì vùng nước sông Ba Lai trước khi có cống bị nhiễm mặn rất nặng. Đây là hệ thống cống nằm trong dự án ngọt hóa vùng ven biển của tỉnh Bến Tre dùng để hổ trợ phát triễn nông nghiệp.
Ba Tri
Kết thúc hành trình hôm nay với ba cửa sông Cửu Long bằng một buổi ăn tối với lẩu cua đồng và cá lóc nướng nhờ gặp được người bạn cũ tại huyện Ba Tri đã tiếp đón nồng hậu. Ngủ đêm tại khách sạn Thiên Phúc.
Buổi sáng ngày kế tiếp ở Ba Tri mưa và trời tối mịt nên đoàn chúng tôi quyết định uống café, ăn sáng khởi hành trể hơn hôm qua. Tranh thủ vá mấy cái ruột xe để mang theo dự phòng và dự kiến đại 08h00 là hết mưa và đúng y như rằng trời tạnh mưa. Chúng tôi đạp xe đi xuyên qua Chợ Ba Tri trên đường Vĩnh Phú xã An Đức, Huyện Ba Tri, tĩnh Bến Tre hướng về bến phà An Đức – Mỹ An (ấp An Hòa – Xã Mỹ An). Trên đường đi chúng tôi ghé thăm đền thờ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, còn gọi là Cụ Đồ Chiểu, tự Mạch Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai là một nhà thơ lớn của miền Nam Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 19. Những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu là "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc", Ông viết bài này để ngợi ca, thương tiếc và kính phục những nghĩa quân đã anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp tại Cần Giuộc vào năm 1861 hoặc tác phẩm bất hủ của thời đại là "Lục Vân Tiên" (chữ Nôm: 蓼雲仙) tác phẩm truyện thơ Nôm được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19 và được xuất bản đầu tiên vào năm 1889.
Cửa Hàm Luông
Đến phà An Đức – Mỹ An mới biết mình tính nhầm giờ phà. Từ phía bên này qua bến phà bên kia là phà chạy theo giờ lẻ. Đây là nơi học lại cách tính giờ phà theo giờ chẳn lẻ. Do không biết tính giờ chẳn lẻ nên tính sai lần nữa và kết quả chờ phà hơi lâu hơn 45 phút tại đây để chuẩn bị khám phá cửa sông Hàm Luông.
Sau khi qua phà ngắm cửa Hàm Luông (tên cổ là cửa biển Ngao Châu) nơi nhánh sông Cửu Long đổ ra biển Đông. Nhìn dòng nước chảy cuồn cuộn từ sông Hàm Luông chạy từ phía Nam tỉnh Bến Tre để ra cửa biển Hàm Luông. Nghe nói sông Hàm Luông có tên gốc là Hàm Long nhưng vì kiêng cử gọi chữ trùng với tên vua dưới thời vua Nguyễn nên đổi thành Hàm Luông. Phà cập bến phà An Điền (thuộc ấp An Khương, xã An Điền huyện Thạnh Phú, Bến Tre). Sang bên kia sông tên gọi là phà Mỹ An tiếp tục theo đường ấp Thạnh Mỹ, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phủ đi dọc theo An Thạnh qua Cầu Rạch Cừ về hướng An Điền ấp An Khương hướng về khu du lịch biển Cồn Bửng (còn khoảng 20km mới đến Cồn Bửng). Khu du lịch biển Cồn Bửng là nơi có bãi biển Thạnh Phú, một trong những bãi biển vẫn còn lưu giữ được nguyên nét hoang sơ cho đến ngày hôm nay.
Cửa Cổ Chiên
Tiếp tục đi về hướng xã An Huề dọc theo hương lộ 27 để đến bến đò Bến Chổi - An Qui sang phà bên kia gọi là Long Hòa thuộc huyện Châu Thành tỉnh Trà Vinh. Tại đây mình sẽ ngắm cửa Cổ Chiên từ trên phà vị trí nằm giữa Long Hòa và cù lao Hòa Minh.
Nghe nói vùng sông Cổ Chiên nổi tiếng với những con cá hô rất to nặng hơn 100 Kg được bắt ở đây. Người dân chài vùng này có những "giấc mơ cá hô" trên dòng Cổ Chiên cũng là tâm sự của ngư dân về giấc mơ đổi đời khi bắt được cá hô nước ngọt có thể giúp đời chài thoát nghèo ngay sau một mẻ lưới vì bán cá được rất nhiều tiền.
Cửa Cung Hầu
Tiếp tục ven theo đường đan ven sông hứớng về phía cầu Xẻo Quao xã Long Hòa, huyện Châu Thành để đến bến đò khóm 4 qua Mỹ Long băng qua sông Cổ Chiên. Tại đây có thể nhìn thấy cửa Cung Hầu nằm phía bên địa phận Trà Vinh trong cơn mưa tầm tả. Vị trí cửa này nằm ở giữa cù lao Hòa Minh và thị trấn Mỹ Long thuộc huyện Cầu Ngang. Đứng trên phà không thể nhìn ra xa được vì chỉ toàn thấy màu trắng nước với nước khi trời mưa. Tiếp tục hành trình chúng tôi đi men theo hương lộ 23 về hướng Mỹ Long Nam chạy đến Cống Thâu Râu. Cống đập Thâu Râu, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) được xây dựng năm 1999. Đây là công trình nằm trong dự án ngọt hóa Nam Mang Thít xây dựng nhằm mục đích ngăn mặn trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của các xã Mỹ Long Nam và Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây.
Hành trình tiếp tục đi về ấp bến đáy xã Mỹ Long Bắc huyện Cầu Ngang, hướng về thị xã Duyên Hải. Thị xã Duyên Hải nằm về phía Nam của tỉnh Trà Vinh giữa cửa Cung Hầu và Kênh đào Trà Vinh, có địa hình mang tính chất của vùng đồng bằng ven biển rất đặc thù với những giồng cát hình cánh cung chạy dài theo hướng song song với bờ biển. Vùng này có những điểm tham quan du lịch như Biển Ba Động và Thiền Viện Trúc Lâm, nhà máy điện gió, bến tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam.
Đến vòng xoay nơi vào trung tâm thị xã Duyên Hải, chúng tôi phân vân không biết nên đi tiếp hay dừng lại ăn trưa vì đã quá trưa ai cũng đói meo. Cuối cùng quyết định đi hướng vào trung tâm thị xã Duyên Hải và vô tình phát hiện nơi bán Bún Nước Lèo thật ngon trên đường 19 tháng 05 với cô bán bún rất trẻ tuổi đôi mươi và rất vui tính nhưng chưa bao giờ đặt chân đến Sài Gòn và biết Xì Phố như thế nào. Trải nghiệm món bún nước lèo với chút vị mắm của người Khmer, rổ rau thập cẩm đủ loại hấp dẫn cùng với thịt heo và cá đồng thơm phức, gọi bổ sung thêm mấy cái đầu cá lóc to đùng thật tươi ngon và rẻ. Đúng là một trong những bửa ăn ngon và rẻ nhất trong đời.
Cửa Định An
Tiếp tục chuyến đi về hướng trung tâm huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh (đường 53, quốc lộ 53) rẻ phải sang đường Ngô Quyền vòng qua dưới dạ cầu để qua cầu Long Toàn đến phà Kênh Tắt, Láng Sắt hướng đi tiếp về phà Long Vĩnh – An Thạnh 03. Đến phà Long Vĩnh tầm 17:30. Phà hết chạy, chúng tôi hỏi thăm thuê phà riêng để đi từ phà Long Vĩnh - An Thạnh 03, kênh 09. Từ đây có thể phóng tầm nhìn ra cửa Đinh An cũng là cửa sông lớn rất thuận tiện cho tàu biển có trọng tải lớn vào được sông Hậu. Sau này do lượng phù sa từ sông Hậu đổ ra cửa Định An hàng năm gặp nước biển lắng đọng lại ở khu vực giáp giữa nước sông quá dầy đặc dài hàng 5 - 6 Km khiến đáy sông bị nông dần đến nỗi một số nơi chỉ đạt độ sâu 2,5 m khiến cho tàu có tải trọng lớn không thể ra vào được sông Hậu qua cửa Định An. Năm 2007 kênh đào Quan Chánh Bố được hình thành do Chính Phủ phê duyệt nhằm tạo cửa biển “nhân tạo” thay thế cửa Định An giúp khơi nguồn lưu thông cho tàu thuyền qua lại nhằm hổ trợ kích thích cho nhu cầu phát triển ở khu vực này.
Sang phía bên kia phà là xã An Thạnh 3 là xã đảo thuộc khu vực biên giới biển của Cù Lao Dung và cũng là xã vừa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Cù Lao Dung (Sóc Trăng) diện tích trên 261 km2. Cù Lao Dung được gọi là Huỳnh Dung Châu (theo di cảo của Trương Vĩnh Ký) người bản địa gọi vùng đất này là Cù Lao Vuông, có nghĩa là dãy đất nổi giữa sông có hình thù vuông vức. Nhưng khi đối chiếu với bản đồ địa lý tỉnh Sóc Trăng được vẽ ra từ năm 1909, thì hình thể của vùng đất này không hề vuông đúng với thực tế của tên gọi. Do đó, người địa phương ta phát âm là Cù lao Duông và cho là cách gọi đó của người Khmer muốn chỉ "Cù lao của người Việt", dần dần đọc trại âm ra thành Cù lao Dung.
Cù Lao Dung có vị trí đặc biệt quan trọng, án ngữ hai cửa sông lớn Định An và Trần Đề với 8 đơn vị hành chính gồm các xã An Thạnh 1, An Thạnh 2, An Thạnh 3, Đại Ân 1, An Thạnh Tây, An Thạnh Đông, An Thạnh Nam và thị trấn Cù Lao Dung. Cù Lao Dung phía Đông và phía Bắc giáp tỉnh Trà Vinh; Tây giáp huyện Long Phú; Nam giáp Biển Đông. Diện tích đất nông nghiệp chỉ có khoảng 13.018 ha, một phần trong số đó bị nhiễm phèn, mặn nên việc canh tác còn khó khăn. Mặt khác, do là huyện cù lao, xung quanh bốn bề sông nước nên hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông rất cách trở, gây khó khăn cho việc đi lại, giao lưu buôn bán của người dân địa phương.
Cửa Ba Thắc
Thật ra khi qua Cù Lao Dung theo cung đường dự tính sẽ đạp xe hướng về bến đò Rạch Tráng – Kênh Ba. Từ bến này ta có thể khám phá cửa Ba Thắc (Bassac) trên sông Cồn Tròn đổ ra sông Ba Thắc (sông Hậu ngày nay) để ra biễn Đông và theo chuyến đò này ta đi băng qua sông Hậu sang khám phá cửa Trần Đề trước khi qua bến đò kênh ba thuộc huyện Trần Đề.
Sông Ba Thắc có 03 cửa biển là Định An, Ba Thắc và Trấn Di. Nhưng sau một thời gian dài của sự bồi lắng phù sa, cửa biển Ba Thắc đã bị thiên nhiên lấp dần và hiện tại vị trí nằm sâu trong đất liền, không còn hình thù của một cửa sông nữa. Theo sự suy luận của người dân nơi đây, đoạn sông Hậu đầu của Cù Lao Dung ngang vàm Đại Ngãi bị phù sa bồi lắng nặng, làm dòng chảy đổ vào sông Ba Thắc ngày càng yếu đi nên không đủ sức đẩy lượng phù sa rất lớn nên ngày này qua ngày kia mới lấp dần cửa sông Ba Thắc. Dòng phù sa này do cửa Định An đổ ra biển và lấn dần về phía Nam do ảnh hưởng của dòng biển ven bờ nên chèn lấp cửa sông Ba Thắc.
Cửa Trần Đề
Hỏi thăm người địa phương thì được chỉ dẫn là nên đi bến bến đò Nông Trường thuận tiện hơn và gần hơn do thời gian không cho phép vì lúc đó trời quá tối. Sau khi hội ý, chúng tôi nhanh chóng đi về bến đò Nông Trường (An Thạnh Nam) để qua huyện Trần Đề Sóc Trăng thay vì phải đi đến bến đò Rạch Tráng – Kênh Ba với cùng một điểm đến bên bờ bên kia sông Hậu. Chúng tôi phải đạp xe xuyên thủng màn đêm mà không hề có đèn đường, những tia sáng leo lét từ vài ngọn đèn của nhà dân hắt ra đường trong ánh sáng lờ mờ. May mắn một số xe chúng tôi cũng có đèn chiếu sáng nên cũng thấy đường chạy. Gương mặt ai cũng căng thẳng đầy suy nghĩ, đăm chiêu… với những câu hỏi tự hỏi mình “ giờ sao đây? Chuyện gì sẽ diễn ra kế tiếp đây, có chỗ ngủ không trời…” Tuy nhiên song song với nỗi lo lắng là cái mát lạnh dể chịu của màn đêm cùng với không khí trong lành, tiếng kêu đêm của các loài côn trùng nơi hoang vắng, mùi thơm thoang thoảng của cây cỏ, hoa dại lất phất dọc hai bên đường …. Lâu lâu có vài sự phản chiếu ánh sáng từ những chú nhái nhảy lon ton và vệt cong của những con rắn nhỏ băng qua đường nhờ vào ánh đèn xe đạp chiếu phía trước... phần nào cũng thỏa lấp được những nỗi lo âu trên đoạn đường gần 20 km đạp trong bóng đêm để đến được bến đò Nông Trường lúc đó là hơn 08h00 tối. Sắp được nghỉ rồi mọi người ơi…
Có ai ngờ rằng khi đến nơi mới biết là không thể thuê bao chuyến đò vượt qua Sông Hậu. Có nằm sẳn đó một chiếc phà nhỏ mà buổi sáng thường chạy đưa khách sang sông nhưng… nghe nói bị hư gì đó không chạy được. Người lái đò (chúng tôi đoán) thì say xỉn nói đủ lý do... thôi rồi tất cả mọi người chuẩn bị nghĩ đến việc đạp ngược lại khu dân cư vào nhà dân xin ngủ nhờ. Xung quanh vắng tanh nhưng cũng gặp may là được người địa phương ở tại bến đò giúp gọi một con đò nhỏ khác từ bên kia sông chạy qua để chở riêng đoàn chúng tôi qua sông. Chúng tôi hồi hộp chờ đò trong bóng đêm và vượt sông để nhìn cửa Trần Đề trong màn đêm với ánh sáng vàng loe hoe của ánh trăng đêm sau rằm. Một thành viên trong đoàn mừng quá lấy rượu ra chia điều mỗi người một ít để uống mừng qua được sông. Có người còn nói sao tụi mình giống những người vượt biên sau năm 1975 vì đang đi dọc địa phận biên giới biễn (Sea Boundary) đến gần cửa biễn ra biễn Đông trong bóng đêm lặng lẻ trên con tàu bồng bền, tiếng máy tàu nhè nhẹ mà chẳng ai còn đủ sức để tám chuyện trên đò.
Điểm đặc biệt ở Trần Đề là thủy triều lên xuống 02 lần / ngày và hầu hết là có dòng chảy 2 chiều trong năm nên nguồn nước trên sông đục và không ảnh hưởng bởi ngập lụt do mực nước thủy triều dao động ở mức trung bình từ 0,4 – 1,4m. Tuy nhiên do tiếp giáp với biển nên mùa khô nước mặn theo hệ thống sông, kênh rạch xâm nhập vào rất sâu trong địa bàn của huyện khiến người dân nơi đây khó khăn trong canh tác nông nghiệp.
Sang bên kia đò cập vào một bến đò rất nhỏ chúng tôi phải cùng nhau vác xe đạp lên bờ vì không thể chạy lên được. Khi đã lên hết trên bờ ai nấy bắt đầu hớn hở râm ran trò chuyện trên đường đạp về khách sạn Gia Huân tại thị trấn Trần Đề để nghĩ qua đêm. Chắc chắn là mọi người điều vui và tự hào chính mình vì đã vượt qua khó khăn, hiểm trở, nổi sợ hải khi đạp xe xuyên màn đêm... vì không ai nghỉ là có thể tìm được đò qua con sông này.
Trần Đề là cửa sông cuối cùng của dòng Cửu Long Giang hùng vĩ. Nơi đây có cảng Trần Đề nằm tại vàm Kinh Ba (nay thuộc thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) là một khu phố mới, nhà cửa sầm uất, tàu bè tấp nập, xe cộ dập dìu, cá khô đầy ắp. Mỗi khi tàu cá về bến, cả khu vực cảng rộn rã tiếng cười, nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Còn những lúc biển động hoặc qua mùa đánh bắt cá, thuyền của ngư dân lại kéo về đậu kín cả vàm sông. Trên đường về khách sạn chúng tôi thấy có rất nhiều đại lý bán vé Tàu Cao Tốc Trần Đề - Côn Đảo vì ở đây có bến Cảng tàu Cao Tốc nguy nga lộng lẫy rất thuận tiện để đi từ Trần Đề (Sóc Trăng) ra Côn Đảo.
Tưởng được bình an chiêm ngưỡng khung cảnh về đêm ở một huyện ven biễn chứ nào ngờ chúng tôi được thưởng thức đặc sản đêm tại Trần Đề. Đó là buffet muỗi. Muỗi khắp mọi nơi chỉ cần đứng yên một chỗ thì muỗi sẽ kéo đến rất nhiều. Đứng tại lễ tân khách sạn chỉ cần đưa chân lên đạp mạnh xuống đất là có thể bắt được gần chục con muỗi làm buffet hoặc không cần vỏ công Kungfu cao cường như Thành Long mà chỉ cần quơ tay vào không khí cũng chụp được vài con muỗi để nấu lẫu. Khi thoa kem chống muỗi vào người và quan sát thì muỗi sẽ bay quanh bạn như không có kem nhưng được cái là không hề chích vì chắc là kiêng nể một chút hóa chất chống muỗi của nhà phát minh ra kem chống muỗi. Ấn tượng hơn khi ngồi ăn chúng tôi đốt vài khoanh nhang muỗi nhưng tôi phải gọi đây là loại nhang "bạn thân của muỗi". Chứng tỏ muỗi ở đây rất khỏe. Bằng chứng là muỗi bay xung quanh nhang muỗi nhìn giống như khói từ nhang muỗi là để tô điểm thêm cho bức tranh thủy mặc “bầy muỗi” của người xưa. Có điều tôi không hiểu là tại sao người dân nơi đây không quan tâm đến muỗi nhiều. Họ không có bất kỳ phản ứng gì với đàn muỗi đang bay vây xung quanh, họ không dùng thuốc xịt diệt muỗi, đèn bắt muỗi, vợt muỗi bằng điện để tiêu diệt muỗi. Chắc sống chung với muỗi riết người ta người ta quen và xem muỗi như bạn còn mình khách phương xa đến nên trở thành mồi ngon cho muỗi đốt.
Chúng tôi qua quán kê bên khách sạn ăn tối cho đở đói để ngủ ngon đồng thời uống vài ly rượu chia tay với người bạn đi cùng vì anh ấy phải về lại Saigon sau khi chinh phục xong chín cửa sông Cửu Long (Mekong).
Đây là ngày căng thẳng nhất và cũng là ngày đáng nhớ nhất trong hành trình đạp xe của chúng tôi. Một đêm thật ngon giấc với những giấc mơ đẹp về những giây phút đạp xe chưa bao giờ được trải nghiệm trong những chuyến đi xe đạp trước đây.
Bài viết này phản ánh những thông tin thực tế trong chuyến đi và các câu chuyện lượm lặt được từ người địa phương. Cám ơn sự hổ trợ thông tin đi dường và hình ảnh của các bikers đi cùng như Mr. Việt (leader chính, người vẽ cung đường đạp), Mr. Sơn, Mr. Thọ, Mr. Sang và Mr. Chris.
PHONG TRẦN.
Cám ơn các bạn đã quan tâm đến tour du lịch của chúng tôi !
Hãy điền thông tin cá nhân của bạn vào đây chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất để hoàn tất thủ tục cho chuyến đi này
Bản quyền © 2018 WTOUR.VN thuộc về công ty TNHH Thương Mại và Du Lịch Việt Trần (Vietnam Vacations) - Ghi rõ nguồn "www.wtour.vn" khi sử dụng.
Số GPĐKKD: 0311865849 do Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Thành Phố Hồ Chí Minh cấp ngày 04/07/2012.
Giấy phép kinh doanh LHQT số 79-580/2015/TCDL-GP LHQT do Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch, Tổng Cục Du Lịch cấp ngày 02/11/2015.